Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013
Hằng luôn răn nhắc: phải mạnh mẽ làm chủ lại, chớ thuận theo nhân tình.
Đến đây Tổ Quy Sơn khuyên chúng ta hãy học kỹ văn Cảnh Sách này, rồi ứng dụng cảnh tỉnh lấy mình, cốt là phải sáng suốt để nhận rõ lẽ thật hư. Tức là biết rõ cái thật, cái giả rồi mạnh mẽ làm chủ trở lại, chớ thuận theo nhân tình mà thành mất mình.
Đến lúc nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh .Nhân quả rành rõ há không lo sợ.
Tổ Quy Sơn lại ân cần nhắc nhở chúng ta phải hết sức cẩn thận về nhân quả. Nhân quả không phải là chuyện chơi, nhân quả theo nhau như bóng theo hình, không trốn tránh đâu khỏi. Bởi vậy người tu thiền chúng ta cần phải học kỹ, phải tin sâu nhân quả mới không nguy hiểm. Nếu ai tạm hiểu lý đốn ngộ rồi mà không tin nhân quả thì đó là đọa không hay.
Cho nên, Hòa thượng Hư Vân chỉ dạy rõ ràng cho người muốn tu Thiền thì điều kiện tiên quyết là phải tin sâu nhân quả. Ngài bảo rằng: “Không luận là người nào, nếu muốn dụng công tu tập thì trước cần phải tin sâu nhân quả. Nếu không tin nhân quả mà thực hành càn bướng thì không những tu hành chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh”.
Mỗi người cần hết sức cẩn thận về nhân quả, khi gặp những cảnh hoặc tốt, hoặc xấu, thuận hay nghịch đến với mình thì cũng bình tĩnh sáng suốt, lấy nhân quả để nhìn cho thấu đáo, nhờ vậy tâm mình sẽ được cởi mở rất nhiều.
Phải gắng sức, siêng tu hành chớ để ngày giờ trôi qua suông.
Đây Tổ Quy Sơn lại khuyên thêm một lần nữa là phải lo siêng tu hành, chớ để ngày giờ trôi qua suông. Từ đầu tới đây Ngài nhắc sáu bảy lần rồi; cứ nhắc là chớ có để ngày giờ trôi qua suông, sống vô ích. Tức là phải lo siêng năng tu hành, sống mà không có công phu gì để cứ tạo thành tội lỗi thì phí biết bao nhiêu thời giờ quý báu của mình, rồi lại đành mang lấy những nhân quả khổ đau nữa.
Trên là phần văn xuôi, đến đây là bài văn vần, nhằm rút gọn ý nghĩa nhắc nhở dễ nhớ.
Thân huyễn nhà mộng, trong không vật sắc.
Luôn nhớ kỹ, thân này là thân huyễn hóa.
Đối với thân này, cảnh này cũng vậy không thể bám vào đâu được hết. Thấy thì như có, mà nắm lấy liền tay không, vuột mất hết! Cho nên ai mà cố nắm bắt là tự chuốc lấy đau khổ, bởi vì cái không thể nắm mà cứ cố nắm thì phải thất vọng thôi. Đây gọi là trừ cái chấp thủ về thân cũng như cái chỗ mà thân nương tựa.
Ra đây vào kia, xuống lên quá nhọc.
Đây là nói cảnh lẩn quẩn ở trong vòng luân hồi cứ ra vào rồi lên xuống nhọc nhằn, đâu có vui sướng gì mà ham ở trong đó. kia…, lẩn quẩn không biết đâu là cùng tận. Cho nên nói ra đây vào kia, xuống lên quá nhọc. Đó là ý Tổ Quy Sơn muốn nhắc người tu phải luôn quán kỹ như vậy để mà lo linh tấn tu hành, vượt lên con đường giải thoát, giải quyết sanh tử luân hồi.
Đời nay luống qua, đời sau bít lấp.
Đời nay không chịu thức tỉnh tu hành để cho nó luống qua trong sự mê mờ thì đời sau nó lại che mờ bít lấp thêm nữa. Rồi không lẽ chúng ta cứ lo kéo dài sự tối tăm mãi như vậy hay sao?
Đáng tiếc thời giờ, sát-na khó biết.
Thời giờ trôi qua nhanh chóng, sự sanh diệt trong từng sát-na vi tế thì với tâm phàm này thật là khó thấy biết hết được, cũng là khó lường thấu.
Từ mê đến mê, đều do sáu giặc.
Từ cái mê này đến cái mê kia, vậy là toàn ở trong mê. Do đâu? Do sáu giặc. Sáu giặc tức là sáu trần. Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu giặc này lấy sáu căn làm môi giới để đột nhập vào nhà rồi cướp đi những của báu công đức. Và nếu sáu căn này không làm môi giới thì sáu trần cũng không vào được.
Nên lỗi không phải ở sáu trần hay là sáu căn mà lỗi là ở tại nơi tâm sanh, tức là tâm duyên theo.
Sáu căn yên vui, đi đứng im bặt.
Đến đó thì sáu căn được yên vui, nước nhà thái bình. Đi đứng im bặt tức là hết còn sóng gió sanh khởi. Đến đây mới an ổn, thấy nghe đều thành giải thoát, hết một đời lang thang! Tu như vậy mới thực sự là niềm vui giải thoát, không có niềm vui gì ở thế gian có thể sánh kịp được. Vậy thì tu là ban đầu biết rõ cái khổ để dứt khổ được an vui thực sự, không phải là bi quan, tiêu cực.
Tóm lại, học Quy Sơn Cảnh Sách để nhắc nhở chúng ta tiến tu.
Thấy mình được xuất gia là một duyên lành hy hữu không phải dễ có. Nhờ đã từng gieo căn lành này từ đời trước cho nên nay mới được, do đó chớ có xem thường cho nó qua suông, thì thực là đáng tiếc! Phải nhớ rõ.
Chúng ta phải quán kỹ thân này là vô thường, mong manh, không bền chắc. Trong đây không có gì là ta, là của ta, không có ai trong đó hết, nó trống rỗng vậy thôi. Vì điên đảo chấp dính nên bị cái thây thúi này nó che mờ chân tánh xưa nay sáng suốt của mình, đó là thật đau! Quá đau!
Kiểm lại nột tâm của mình thì liền thấy rõ, có lúc thấy tâm rất vui, rất là cao thượng, giống như là người ở trên cõi trời hoặc là bậc hiền. Nhưng có lúc tâm mình cũng đen tối giống như súc sanh, địa ngục không khác, để thấy những chủng tử trong tâm mình chứa đủ hết. Những nẻo đường luân hồi đó chúng ta đã đi qua hết rồi thì còn tiếc gì nữa mà không dứt khoát để vượt ra? Ngay đây thấy chưa đủ hay sao? Không thấy chán hay sao? mà còn muốn kéo dài, bò lên lết xuống!
Rồi cuối cùng là trở về một tâm chẳng sanh, muôn pháp đều dứt, khỏi phải thêm bớt gì hết. Đó là chỗ yếu chỉ để mình tiến tu. Cho nên mỗi vị luôn thường nhớ để nhắc nhở mình, chớ để thời giờ qua suông thì nhân quả khó tránh. Bởi nhân quả đâu đó rõ ràng, không có trốn tránh được. Làm sao khéo sống trở về với con người chân thật của mình, chớ chạy theo cái hư dối. Đó mới là người trí. Đường mình đi là như vậy nên phải sáng suốt.
Nói tóm gọn lại thì tất cả đều ở ngay nơi TÂM NÀY chứ không gì xa xôi hết. Đơn giản. Đó là điều muốn nhắc cho tất cả!
Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (23/6/2020)