Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013

Phép học này rất diệu, rất huyền, chỉ người đủ tâm tự nhận, hẳn chẳng lừa dối.

Pháp này tức là pháp Thiền tông mà Ngài đã chỉ dạy ở trên. Vì thuộc về tâm tông nên nó vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, gọi là bất lập văn tự. Nên nói là nó rất diệu rất huyền, hết sức mầu nhiệm, khó nghĩ bàn; còn nếu nghĩ bàn được thì nó không còn là diệu, là huyền rồi.

Ngôn ngữ, văn tự không phải là chân lý, mà chân lý là nằm ở ngay nơi mình, nó còn vượt ngoài ngôn ngữ, nên học là phải học đến đạt được ý sâu trong đó. Đến chỗ rốt ráo phải là tâm tự thầm hợp chứ nói không thể đến. Cho nên Thiền tông gọi là tâm ấn tâm hay là tâm tâm tương khế, chỉ là tâm thầy và tâm trò thầm hợp với nhau.

Thí dụ như có hòn ngọc từ xưa truyền lại, người này đồn, người kia đồn thế này thế kia. Khi nghe chưa nắm được nên còn nghi ngờ, còn mơ hồ. Nhưng khi nắm được hòn ngọc đó trong tay rồi thì dù có ai nói là hòn ngọc đó người ta nói dối chớ không có thật; họ nói gì nói mình nghe rồi thì chỉ cười thôi vì chúng ta đã nắm hòn ngọc trong tay.

Nếu có hạng trung lưu, chưa thể chóng vượt lên thì hãy để tâm nơi giáo pháp, ôn tầm kinh điển, tìm kỹ nghĩa lý, truyền bá rộng bày, tiếp dẫn người sau, đáp ân đức Phật.

Ngài nói nếu chúng ta chưa được như vậy, tức là chưa thể ngay đó chóng vượt lên để tỏ ngộ thẳng vào lẽ thật thì phải nương theo giáo pháp mà nghiên tầm kinh điển, thấu rõ nghĩa lý đó rồi truyền bá, tiếp dẫn người sau, cũng là báo đáp được ân đức của Phật.

Bởi vì chưa sáng tỏ được tâm tánh thì chúng ta phải hiểu thông giáo lý để hướng dẫn cho người đến đúng với chánh pháp, từ đó tu hành không sai lạc. Đó cũng là một cách để báo ân Phật.

Đức Phật đã nhập Niết-bàn giờ chỉ còn kinh giáo để lại, nên chúng ta phải y theo kinh giáo để học hỏi tu hành và giáo hóa chúng sanh. Cho nên nói “Đền ơn chư Phật, Là ơn chẳng đền, Giáo hóa chúng sanh, Là đền ơn Phật”.

Cũng chẳng bỏ phí thì giờ, quyết phải lấy đây giữ gìn Phật pháp. Oai nghi cử động chính là pháp khí trong hàng Tăng.

Đây Tổ Quy Sơn lại ân cần nhắc lần nữa là chẳng bỏ phí thì giờ, quyết phải lấy đây để giữ Phật pháp. Nghĩa là phải biết quý tiếc thời gian quý báu hiện có để lo tinh tiến tu học cho kỹ, lấy đó làm vốn liếng giữ gìn Phật pháp lâu dài trên thế gian.

Rồi oai nghi, cử động đều phải khế hợp phép tắc chính đó là pháp khí trong hàng Tăng. Tức là những cử chỉ hành động đều phải khế hợp với phép tắc, không được thô tháo, bừa bãi, đó là biểu hiện bậc pháp khí trong hàng Tăng. Pháp khí tức là bậc hữu dụng. Chúng ta sống đừng thành kẻ vô dụng trong hàng Tăng, đó là điều không hay, gọi là đáng tiếc, đáng trách!

Hãy hết lòng giữ gìn trai giới, chớ dối bỏ sót vượt qua, đời đời kiếp kiếp nhân quả thù diệu.

Thù diệu tức là tốt đẹp, thù thắng. Ngài khuyên thiết thực, là hãy lo tu tập giữ gìn trai giới kỹ lưỡng, chớ bỏ sót vượt qua. Vì nghĩ giới luật không quan trọng, rồi bỏ sót không cần giữ giới. Đó gọi là bỏ qua giới luật, mà bỏ qua giới luật tức là thiếu mất nền tảng căn bản nên mất chỗ đứng để vươn lên cao.

Cũng giống như dây bìm mà bám vào hư không thì nó bò lên được đâu? Vì không có chỗ làm nền tảng căn bản. Giới luật không giữ mà cứ nói chuyện trên mây thì đó là rỗng. Cho nên hiện tại chúng ta cần phải giữ giới đức thanh tịnh, trang nghiêm thì đời đời kiếp kiếp được nhân quả thù diệu tốt lành, tức là không có bị sa đọa. Được vậy nếu chúng ta chưa thật sự giải thoát thì cũng từng bước, từng bước tiến lên chỗ thù thắng, chứ không rơi xuống đường ác. Đó là con đường bảo đảm.

Còn giờ chưa giải thoát mà giới đức bỏ sót không giữ thì đó là con đường nguy hiểm, rớt xuống không có lường được. Mỗi người phải lấy đó để tự nhắc mình gọi là chớ có xem thường nền tảng giới luật.

Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (18/6/2020)