Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013

Các pháp trong ngoài đều biết không thật, từ tâm mà biến khởi, thể là giả danh, chẳng nên đem tâm ghé vào.

Những đoạn này chúng ta phải nghe kỹ, rồi suy gẫm thì thấy được chỗ tu. Đây rất là quan trọng trên đường tu của chúng ta.

Tổ Quy Sơn chỉ chỗ căn bản tham thiền của Thiền tông. Tức là các pháp trong ngoài đều là không thật, từ tâm mà biến khởi, thể là giả danh chẳng nên đem tâm ghé vào. Tức là ngộ được cái tâm này rồi thì liền rõ các pháp trong ngoài đều không thật, mà không có pháp thật thì có gì là ra vào. Chúng ta vì thấy có pháp thật nên mới thấy có trong có ngoài, có ra có vào. Đây rõ trong tâm ngoài cảnh nói chung đều không có một pháp thật. Không có pháp thật tức là có mà không thật có, chớ không phải là không có gì hết.

Nghĩa là tất cả mọi pháp đều là nhân duyên sanh mà nhân duyên sanh là không có thực thể, không có một pháp nào tự nó có thể tồn tại, cho đến chư Phật, chúng sanh cũng nương nơi tâm mà lập. Ngoài tâm cũng không thể có, tất cả thuộc về giả danh.

Do không thấy có một pháp nào thật nên chóng tỏ ngộ được bổn pháp này, và cũng là tỏ ngộ được chánh nhân, không còn chấp vào một pháp nào bên ngoài cả. Nên nói ngoài cái tâm này thì không có một pháp nào thật.

Ở đây Tổ Quy Sơn nói, đã không pháp nào thật hết thì tại sao lại đem tâm ghé vào làm chi để cho thành chuyện. Chính chỗ này là chỗ chúng sanh điên đảo thành ra sanh tử, khổ đau. Bị vọng tưởng gạt thôi! Vì thế đức Phật dạy là tất cả chúng sanh đều sống trong vọng tưởng là vậy đó.

Nếu tình chẳng gá vào vật thì vật há có ngại với người.

Tâm mà chẳng sanh ở trên vật thì nó tự giải thoát, đâu có gì trói buộc; thì mỗi vật tuy có cũng như không, đâu có ngại gì với người. Chừng ấy thôi thì chúng ta đủ tu suốt đời.

Thí dụ thấy cái bàn là cái bàn, cái ghế là cái ghế thôi không sanh tâm trên đó thì cái bàn, cái ghế có ngại gì đâu? Chính vì mình sanh tâm trên đó thì nó mới có ngại, mới sanh chuyện. Người có kinh nghiệm tu hành rồi mới thấy rõ việc này.

Ngài Ajahn Chah-Thiền sư Thái Lan, có kể lại kinh nghiệm của Sư lúc ở trong rừng. Sư kể hôm đó, khoảng 11 giờ đêm có lễ hội ở dưới xóm làng ca hát rộn rịp vang xa tới trong rừng. Nhưng hôm đó, Sư cảm thấy tâm mình không phải như ngày thường, bao nhiêu tiếng đó cứ vang vang, nhưng không dính dánh gì với mình (giống như tiếng là tiếng, mình là mình vậy thôi. Mặc dù bao nhiêu tiếng vang như vậy nhưng Sư không nghe gì hết).

Một lúc sau, tâm Ngài đi sâu vào trong định thì trạng thái đó thật là đặc biệt. Giả sử như muốn nghe thì cũng nghe được tiếng đó nhưng nó không làm tâm xao động, còn nếu không có ý muốn nghe thì không gì hết, giống như vắng bặt hay tiếng nó đi đâu mất. Đó là kinh nghiệm của những người thực tu, thực chứng đã kể lại.

Hiểu rồi mới thấy đó là vì người ngại vật, chớ không phải là vật ngại người. Hãy nhớ kỹ điều đó! Nghĩa là người sanh tâm ở vật rồi tự mình trói vào vật cho nên thành ngại, chớ không phải vật nó làm ngại người. Nếu không sanh tâm trên vật thì người vật tự giải thoát từ thuở nào rồi, chớ không phải mới đây.

Mặc cho pháp tánh chảy khắp, chớ đoạn chớ tiếp. Nghe tiếng, thấy sắc vốn là tầm thường, bên này bên kia ứng dụng chẳng thiếu.

Ngài Hoàng Bá thường nhắc: “Người phàm thì phần nhiều bị cảnh ngại tâm, sự ngại lý nên thường muốn trốn cảnh để an tâm, đuổi sự để còn lý. Không biết chính là tâm ngại cảnh, lý ngại sự, chỉ khiến cho tâm không thì cảnh nó tự không, cũng như chỉ khiến cho lý lặng thì sự tự lặng, chớ có dụng tâm lộn ngược như vậy”.

Đó là chỗ mà các Ngài chỉ rõ ràng. Vì cứ sợ cảnh làm ngại tâm, sự ngại lý cho nên muốn trốn cảnh để an tâm. Nhưng đây Ngài nói rõ là không phải vậy, chính là tâm ngại cảnh. Tâm mà không sanh ở trên cảnh thì cảnh nó tự an thôi; chớ đâu phải cảnh làm cho mình bất an. Thấy được chỗ đó mới thấy được rõ ràng chân lý giải thoát vốn rất đơn giản, nhưng vì không hiểu tự che ngại mình rồi suy nghĩ xa xôi thế này thế kia càng tự trái, tự mê thêm.

Sống được như trên đây thật chẳng uổng mang pháp phục, cũng chính là đền đáp được bốn ân, cứu vớt trong ba cõi.

Tức là tỏ ngộ chánh nhân này, rồi thấu suốt được pháp tánh vượt lên tình phân biệt trệ ngại nơi vật, là trong tâm có đạo, như vậy mới xứng đáng mang pháp phục. Pháp phục là mặc áo phước điền, làm ruộng phước của trời người, sống được như vậy thì mới có chỗ để mình đền đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Nếu không thì lấy gì cứu vớt?

Được vậy thì mới gọi là không lạm dự vào hàng Tăng bảo, tức là có phần tự độ, độ tha, tu hành vậy mới thấy lòng nhẹ nhàng. Đây là lời ân cần khích lệ của Tổ Quy Sơn cho những người xuất gia thật sự đạt được lợi ích của bậc xuất gia.

Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (12/6/2020)