Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013

Một mai bệnh nằm trên giường, mọi khổ bao vây bức bách. Ngày đêm lo nghĩ, trong lòng hoảng khiếp. Đường trước mờ mờ chẳng biết về đâu?

Tức là khi bệnh nặng nằm trên giường chờ chết, thì lúc đó mọi thứ khổ kéo đến bức bách không chạy đâu khỏi. Thật ra thì không ai muốn mình như vậy, nhưng dù muốn hay không muốn cũng phải đành chịu. Bởi vì thân này là vô ngã, không chủ động được. Đến lúc đó thì mới lo sợ hoảng khiếp, ngày đêm lo nghĩ không biết lấy gì để đối phó đây! Khi cái chết đến thì những nghiệp tập mình đã tạo đều hiện ra, lại không có gì đối phó rồi không biết chết sẽ đi đâu?

Nên Tổ nói là đường trước mờ mờ mịt mịt, chẳng biết sẽ đi về đâu! Lúc đó đâu có ai đi theo đưa tiễn, cũng không ai làm bạn, một mình đi cô độc mà không có gì để nương mới thấy khổ trăm bề. Nếu như ngay đây mà nghĩ xét được đến chỗ đó thì còn có lòng nào để buông lung, để lơ đễnh không lo tu hành!

Các huynh đệ đọc kỹ trong kinh Lăng Nghiêm đến phần sau nói về người lúc sắp chết thì tưởng đi lên, tình chìm xuống và sáu cái giao báo của sáu căn rất đáng ghê sợ. Nghĩa là mắt thì thấy những cảnh ghê rợn, tai thì nghe những tiếng làm cho loạn tâm, khổ sở trăm bề, không có gì làm chủ được.

Vậy ngay đây chúng ta phải tập, phải lo tiến tu để có được những bước đi vững vàng sáng suốt, vì đây là con đường mà ai cũng phải đi qua. Tức là có sanh thì phải có tử, phải đi đến thôi. Nếu người không lo tu học, không có thiện nghiệp thì đến lúc cuối đời là một nỗi khổ lớn. Chết trong tối tăm mờ mịt, lo sợ hoảng hốt, đó là điều nguy hiểm!

Từ đây mới biết ăn năn tội lỗi, khát đến đào giếng làm sao cho kịp?

Tức là đến đây mới biết ăn năn nhưng làm sao kịp! Nên gọi là khát đến mới đào giếng thì sao cho kịp. Phải lo chuẩn bị trước, lúc còn khỏe mạnh sáng suốt thì phải lo tu tập đạo nghiệp để tạo cái phao cho mình, đừng đợi đến phúc cuối thì sao kịp nữa.

Do đó chúng ta học nhớ để lo tiến tu, nhớ nơi mình có tánh giác thường trụ rồi sống trở về tánh giác chớ không theo vọng niệm, theo cái sanh diệt. Muốn vậy thì ngay đây phải lo công phu tu tập để huân sâu hạt giống này, còn đợi tới lúc gần chết thì làm sao kịp? Khát đến mới đào giếng là muộn rồi!

“Quỷ sát vô thường, niệm niệm chẳng dừng, mạng chẳng kéo dài, thời chẳng thể đợi. Trời người ba cõi vẫn chưa thoát khỏi, thọ thân như thế số kiếp không cùng”.

Quỷ sát vô thường tức là thần chết. Cái chết luôn chực sẵn bên mình, lúc nào cũng chực chờ thừa cơ hội là nó dẫn chúng ta đi, không hẹn hò chờ đợi ai hết. Nên đây, Tổ nói là mạng chẳng kéo dài, thời chẳng thể đợi. Vì vậy chúng ta phải luôn thiết tha “dán chữ Tử trên đầu”, lúc nào cũng phải nhớ cái chết nằm sẵn bên mình thì không dám buông lung phóng dật.

Vừa có một niệm tham hay niệm sân, niệm giải đãi thì liền nhớ đến “chữ Tử” để cảnh tỉnh mình, lúc nào cũng luôn tinh tấn đối phó với con quỷ sát vô thường thì có thời giờ đâu để mà tham, sân, buồn, hận, giải đãi. Nếu nghĩ là còn có thời gian, còn mấy chục năm nữa mới chết thì lúc đó niệm buông lung liền xen vào.

Nếu khéo nhớ kỹ như vậy thì sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta cảnh tỉnh tiến tu và bớt niệm phóng dật. Nhớ rằng tất cả chúng ta đang ngồi đây là ngồi trên cái chết thì còn tâm nào buông lung phóng dật.

“Chính người xuất gia là cất bước cao xa, tâm hình khác tục”.

Người xuất gia phải có chí hướng cao cả gọi là xuất trần, là cất bước cao xa. Lại phải tâm hình khác tục về cả hình tướng nơi thân cho đến trong tâm. Về thân thì cạo tóc, mặc áo nhuộm, khoác ca-sa tức là mặt áo hoại sắc không giống người thế tục. Đó là về hình tướng.

Kế quan trọng là phải chuyển hóa trong tâm, phải trừ bỏ những thói quen suy nghĩ tính toán, tư tưởng theo thế tục. Tâm phải nghĩ theo chánh pháp, theo con đường xuất thế; trái với phiền não tham sân si để tiến lên con đường xuất trần, do đó tâm cũng phải khác tục.

“Nối thạnh dòng Thánh, khiếp đảm quân ma, đền đáp cả bốn ân, cứu vớt trong ba cõi”.

Bổn phận người xuất gia còn trách nhiệm nặng như thế. Người xuất gia là thay Phật để truyền bá chánh pháp, nên phải tu hành thế nào để mà nối thạnh dòng Thánh ở thế gian. Tức là không để dòng Thánh này phải đứt đoạn nên gọi là nối thạnh.

Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (28/5/2020)