Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013
Quyển Quy Sơn Cảnh Sách Nghĩa Giải này được ghi lại từ những bài giảng cho Thiền sinh Tăng tại Thiền viện Trúc Lâm. Lời Cảnh Sách của Thiền sư Linh Hựu ở Quy Sơn thật ân cần, thống thiết, càng nghe càng thấm cho cả người học lẫn người giảng – Từng roi từng roi Ngài quất cho những ai giải đãi, buông lung phải thức tỉnh để tiến tới. Phải nhớ đến sự nghiệp xuất trần của mình như thế nào để sống cho tương xứng mà không uổng phí một đời tu.
Tổ Quy Sơn là một vị Tổ của Thiền tông, thuộc tông Quy Ngưỡng, là một tông lớn trong năm tông của Thiền.
Cảnh Sách là sao? Chữ Sách là cây roi. Cây roi này dùng để răn nhắc Tăng chúng tu hành cho xứng đáng là bậc xuất gia cầu giải thoát.
Tổ Quy Sơn hay Thiền sư Linh Hựu, hiệu là Đại Viên. Chữ “Đại Viên” là hiệu của vua ban sau khi Sư tịch. Còn chữ “Quy Sơn” là vì Sư ở tại núi Quy. Vì người tôn kính nên gọi Sư là Hòa thượng Quy Sơn, hay Tổ Quy Sơn.
Sư đi Giang Tây lễ Tổ Bá Trượng, rồi dừng ở đây tham học. Tức là khế hợp nhân duyên nơi Tổ Bá Trượng nên dừng lại.
Một hôm, Sư đứng hầu Bá Trượng.
Tổ Bá Trượng bảo:
– Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?
Sư vạch ra rồi thưa:
– Không có lửa.
Ngài Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được một chút lửa, đưa lên chỉ cho Sư, nói:
– Ngươi bảo là không, vậy cái này là cái gì?
Sư nhân đó phát ngộ lễ tạ, trình bày chỗ giải ngộ của mình.
Đây cần phải thấy được ý nghĩa chính yếu ở chỗ “đưa cái đóm lửa lên”. Khi Tổ Bá Trượng đưa đóm lửa lên hỏi: “Ông bảo không, vậy cái này là cái gì?”.
Đưa ngay trước mặt ông, ông nhìn thấy rõ ràng đây nè! Phải thấy được chỗ đó. Sư ngộ chính chỗ đó. Về sau khi ra giáo hóa, Sư thường đưa cây phất tử lên khai thị cho người.
Một hôm, Bá Trượng gọi Sư vào thất dặn dò:
Ta hóa duyên tại đây, ngươi sẽ ở thắng cảnh Quy Sơn để nối tiếp Tông môn của ta và rộng độ kẻ hậu học.
Non Quy cao vót không có bóng người lai vãng, là hang ổ của cọp sói. Sư đến đây cất một am tranh, hàng ngày lượm trái lật, trái dẻ làm thức ăn nuôi sống.
Vậy buổi đầu, Sư đến núi Quy rất là cực khổ, không phải đến là liền có chùa ở, dần về sau mới khai hoang lập thành chùa. Khi đó vì còn hoang sơ không người biết nên đâu có ai đem vật phẩm lên cúng. Mỗi ngày, đều phải lượm trái lật, trái dẻ ăn, như vậy trải qua bảy năm. Mới thấy ý chí người xưa kiên nhẫn đáng nể phục.
Một hôm, Sư thượng đường dạy chúng: “Phàm tâm của người học đạo phải ngay thẳng, chân thật không dối gạt không tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh. Trong tất cả giờ thấy nghe bình thường, không có chìu uốn. Cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được”.
Muốn sáng được tâm chân thật thì tâm mình phải chân thật. Còn tâm mình không thật làm sao sáng được tâm thật? Cho nên cần phải hiểu kỹ, nếu không khéo thì người tu hành thời nay dễ bỏ mất sự chân thật. Đó là kinh nghiệm.
Các Thiền viện ngày xưa thực hiện theo tinh thần của Tổ Bá Trượng là tu trong lao động, cho nên ở đây cũng có làm bánh… Vậy thì ngay khi làm bánh đó cũng là đang tu, cũng tham thiền sống thiền, chứ không phải là làm bánh chỉ lo nghĩ đến bánh, đến ăn thôi. Như vậy chúng ta mỗi ngày làm bếp cũng phải tham thiền sống thiền, chứ không phải làm bếp chỉ lo nghĩ đến rau, đến gạo, đến ăn… hoặc nghĩ lăng xăng thì càng không hay nữa.
Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt