Lục tổ Huệ Năng khi đến chỗ Ngũ tổ, lúc đó Ngũ tổ bảo chư Tăng trong chùa Huỳnh Mai phải trình kệ để Ngài thấy được chỗ tu hành của các vị tiến đến đâu, đạt thế nào để Ngài truyền y bát làm Tổ thứ sáu. Khi ấy trong đại chúng có ngài Thần Tú là giáo thọ sư cho năm trăm chúng. Về văn thì Ngài rất tài, nhưng về đạo thì chưa sâu. Song vì trong chúng, Ngài là người lớn là giáo thọ sư nên phải đứng ra trình kệ với Ngũ tổ. Bài kệ của Ngài khi đem lên trình mà vẫn còn ngờ chưa đến nơi nên Ngài lén viết bài kệ dán ở bên vách, chớ không dám trình thẳng với Ngũ tổ. Bài kệ là:
Thân thị Bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân như cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.
Quý vị nghe bài kệ hay chưa ? Thân như cây Bồ-đề, tâm là đài gương sáng, luôn luôn phải lau chùi, chớ để dính bụi nhơ. Ngài dụ thân mình giống như cây Bồ-đề, tâm mình như đài gương sáng. Đài gương sáng nhưng nếu để bụi phủ thì nó sẽ tối, sẽ mờ nên phải luôn luôn lau chùi thì nó mới được sạch mãi, sáng mãi. Bài kệ này với người thường như chúng ta thấy rất là hay, gần gũi để chúng ta tu hành. Bởi vì nơi tâm chúng ta hiện giờ mù mịt u tối là tại cái gì ? Tại vì những bụi nhơ phiền não xấu xa hay là vọng tưởng cứ che phủ. Vì vậy mà ta phải lau phải chùi luôn, nó mới sáng. Như vậy với bài kệ này chúng ta thấy hay rồi. Nhưng với Lục tổ Huệ Năng, khi ấy là một ông cư sĩ giã gạo dưới nhà bếp, nghe ông điệu nói có bài kệ trình ở trên thì ông xin lên để xem và nhờ đọc dùm. Khi nghe đọc xong, ông liền làm một bài kệ đối lại với bài kệ đó. Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng như sau:
Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Qua bốn câu kệ đó, chúng ta thấy Ngài phủi hết, phủi sạch tất cả cái gì của ngài Thần Tú. Ngài Thần Tú nói thân là cây Bồ-đề thì Ngài nói Bồ-đề không có cây. Thân như cây Bồ-đề là cả một hình thức. Thân là một hình thức, cây Bồ-đề là một hình thức. Tâm là đài gương sáng, thì tâm giống như cái gương để trên đài. Cái gương và cái đài là hình thức. Với Lục tổ thì Ngài nói gương sáng không cần đài. Tại sao vậy ? Bởi vì gương sáng là tự nó sáng, chớ đâu phải để trên đài cao nó mới sáng. Chúng ta thấy lối diễn đạt của Lục tổ, Ngài không chấp nhận những hình thức mà chỉ thẳng tâm thể. Tâm thể tự trong sáng, chớ không phải có cái đài nó mới sáng. Qua hai câu trên, Ngài chỉ rõ Bồ-đề là tánh giác. Tánh giác không có hình thức là cây. Gương sáng là chỉ cho tâm. Tâm trong sạch cũng không phải là đài. Như vậy tánh giác và tâm thanh tịnh của mình không có hình không có tướng. Với ngài Thần Tú, Ngài vẽ thành hình tướng. Bởi hình tướng cho nên Ngài mắc kẹt.
Đến câu thứ ba, “bản lai vô nhất vật” là xưa nay không một vật, “hà xứ nhạ trần ai” chỗ nào dính bụi nhơ. Nếu tâm mình, Bồ-đề của mình là một vật có hình có tướng thì nó mới dính bụi, bị những thứ nhơ nhớp dính vào lấp vào, cho nên mờ tối. Nhưng sự thực tâm thể của mình xưa nay không một vật. Nếu là vật thì không phải tâm thể. Mà tâm thể thì không phải vật. Cho nên Ngài nói xưa nay không một vật. Không một vật thì chỗ nào dính bụi bặm được.
Nguồn: Trọn Một Đời Tôi (http://thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/tmdoitoi/unicode/p1.html)