Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013

Việc xuất gia không phải dễ, huống nữa là xuất gia có được tăng tướng đàng hoàng.

Tổ Quy Sơn nhắc mỗi người nên nhận định kỹ nhân quả, biết được căn lành của mình đã có mà trân trọng, rồi lo vun bồi cho nó càng ngày càng tốt hơn để xứng đáng với duyên làm mình đã có. Đừng để qua mất một cách luống uổng!

Phải biết tận dụng duyên lành sẵn có để lo tiến tu, chớ không để qua rồi khó tìm lại.

Phải nhớ kỹ là theo dòng vô thường thì không thể tắm hai lần trong một dòng sông. Nghĩa là chúng ta xuống tắm dòng sông đó rồi lên, khi xuống trở lại lần nữa thì dòng nước sông lúc nảy đã trôi qua không còn mà dòng nước khác trôi tới, nên không thể tắm hai lần trong một dòng sông.

Đây cũng vậy, duyên lành của chúng ta đang có không dễ có lại được lần thứ hai, mà lần thứ hai đến thì đã khác đi rồi, vì đã đổi mới không phải như trước. Do đó chúng ta phải biết tận dụng duyên lành sẵn có để lo tiến tu, chớ không để qua rồi khó tìm lại.

Tâm hẹn là rường cột Phật pháp, khiến thành gương mẫu cho người sau.

Giữ gìn khiến Phật pháp trụ lâu dài, truyền bá chánh pháp cho thế gian chứ đâu phải tầm thường cơm áo qua ngày. Thấy như vậy là thấy được trách nhiệm của mình.

Bởi vì Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, giờ Ngài đã nhập Niết bàn nhưng giáo pháp còn để lại. Mà giáo pháp còn để lại tức là trông cậy vào hàng Tăng bảo để truyền trì mạng mạch Như Lai, làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng người xuất gia lại không thấy được trách nhiệm của mình rồi cứ để cơm áo qua ngày thì sao?

Thấy hiểu rồi phải lo gắng tu học để có được chỗ đứng trong đạo, đó mới là quan trọng. Vì có chỗ đứng trong đạo thì mới làm rường cột cho Phật pháp, và người sau mới có chỗ nương theo để học hỏi tiến tu, gọi là gương mẫu cho người sau.

Phải chọn bạn: “Sanh ra ta là cha mẹ, làm thành ta là bạn bè.

Gần gũi bạn lành như đi trong sương móc, dù chẳng ướt áo mà luôn luôn có thấm vào.

Tổ Quy Sơn nhắc lợi ích của việc gần gũi bạn lành, tức là phải biết chọn bạn để gần gũi, đây gọi là ăn cơm có canh tu hành có bạn. Bạn lành thì thường gần gũi, giúp đỡ mình rất nhiều. Bởi vì thầy thì mình ít gặp, còn bạn là hàng ngày gần kế bên.

Hãy nhớ, gần bạn lành sẽ giúp chúng ta rất nhiều lợi ích trên đường tu của mình, còn gần bạn ác lại thêm lớn điều ác. Cho nên thế gian thường nói: “Muốn biết người đó thế nào thì hãy xem coi họ thường gần gũi những ai?”. Tức là hãy xem họ thường gần gũi với những ai thì biết họ là hạng người gì. Nếu cứ quen theo những anh bợm rượu thì biết thế nào rồi. Còn tìm những người lo siêng năng học hành, làm ăn thì biết người đó thế nào! Đó cũng là kinh nghiệm.

Lời ngay trái tai, há chẳng khắc sâu vào lòng hay sao.

Những điều này là những điều chúng ta phải hết sức ghi khắc trong lòng để học. Bởi người chân thật tu hành, phải dám nghe những lời nói thẳng, dù có trái tai nhưng mình sẽ nghe được nhiều điều lợi ích.

Lời nói thẳng là lời nói thật thì đâu có uốn cong, tức là không có chìu theo ý của mình, không có dua nịnh. Đã không dua nịnh thì có khi cũng khó nghe nên gọi là trái lỗ tai. Nhưng dám nghe thì được lợi ích. Nếu chỉ thích nghe những lời êm tai thì không khéo sẽ sống theo chiều dua nịnh. Điều này người có kinh nghiệm sẽ thấy rõ.

Cứ nói êm tai thì đâu dám nói sự thật, nhiều khi chúng ta làm sai mà cũng khen không dám nói sai nữa. Rồi mình cứ tưởng vậy là tốt, làm tới nữa là nguy hiểm rồi. Còn làm sai mà bạn bè dám nói cái sai của mình, nói thẳng với mình thì đó gọi là nói ngay, thì mình mới biết sai mà sửa.

Vậy thì “há chẳng khắc sâu vào lòng hay sao!”. Tuy trái tai nhưng cũng phải dám nghe để khắc vào lòng thì có lợi ích rất lớn. Bởi vì lời ngay, lời thẳng là sẵn sàng chỉ ra những lỗi lầm để chúng ta sửa mình, lời chỉ lỗi thì đâu có thuận theo lỗ tai, nhưng đó là những lời lợi ích thiết thực.

Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (6/5/2020)