Do HT Thông Phương thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt năm 2013

Đấng Đạo sư có dạy, răn nhắc Tỳ-kheo: “Tiến đạo trau mình, tam thường chẳng đủ”.

Tỳ-kheo đúng nghĩa như Phật đã dạy là người Khất sĩ, tức là ăn xin.

Khi đi khất thực thì xin được thứ gì ăn thứ nấy.

Nói ngày ăn một bữa mà lại chỉ ăn vật thực trong bát mình xin được thôi. Như đi xin được trong bát, khi về chùa có người cúng thêm thì không được dùng, chỉ ăn trong cái bát mình xin.
Nếu hôm đó đi xin chỉ có cơm trắng, không được ăn các món do Phật tử dâng thêm, tu kỹ vậy đó.

Đến mặc thì mặc vải người ta quăng bỏ, lượm về may vá, giặt giũ nhuộm lại rồi mặc

Ngủ cũng vậy, đôi khi các vị ngủ nơi gốc cây gò mả, hoặc nơi núi rừng.

Hãy nhớ kỹ lời Tổ Quy Sơn muốn nhắc: “Nếu người chỉ lo đắm say đối với việc ăn, mặc, ngủ không chịu dừng thì ngày qua tháng lại thoáng chốc đã bạc đầu, kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú phải rộng hỏi các bậc đã thông trước, há cho rằng xuất gia chỉ quý cầu cơm áo”. Chúng ta ngày nay kiểm lại mình xem đã thông được những chỉ thú tu hành hay chưa, rồi xuất gia là vì đạo hay xuất gia là vì cơm áo? Không khéo bị các Ngài quở là “cái bị gạo” thì đó là không hay, là thật đáng hổ thẹn.

“Phật trước chế ra luật mở mang cho kẻ mới vào, phép tắc oai nghi, sạch như băng tuyết. “Chỉ trì tác phạm”, kềm giữ sơ tâm, từng điều luật nhỏ nhặt nhằm sửa mọi điều dở tệ”.

Tổ nhắc Phật chế luật để mở mang cho những người mới vào đạo. Luật tức là Tỳ-ni, gồm oai nghi và giới luật, là bước đầu cho người mới vào đạo thực hành để ngăn ngừa tội lỗi, nên gọi là nhằm sửa mọi điều dở tệ.

Ban đầu, tâm người mới vào đạo giống như con trâu hoang, nếu không có giới luật kềm giữ thì nó mặc tình ăn cỏ mạ của người. Cho nên phải biết giới luật để giữ gìn ngăn ngừa, do đó không nên xem thường phép tắc oai nghi.

Rồi phải thông cả những phép “chỉ trì tác phạm“, dùng để kềm giữ sơ tâm của mình không chạy lung tung, và để ngăn ngừa tội lỗi.

“Chỉ trì”, chữ chỉ là dừng, trì là giữ. Dừng lại không làm thì đó là trì giới. Thí dụ mình không sát sanh thì đó là trì giới. Không nói dối là trì giới.

Còn “Tác phạm”, là làm tức phạm. Nói dối là phạm, gọi là tác phạm…

Lâu lâu, Tổ Quy Sơn quất từng roi, từng roi cho tỉnh.

“Giáo lý chưa từng để lòng, đạo mầu nhân đâu khế ngộ? Rồi đến tuổi cao hạ lớn, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi bạn lành, chỉ cứ một bề nghênh ngang, ngạo nghễ.

Ở trên là quất cho một roi để cảnh tỉnh kẻ giới luật không thông, học thì nhảy vọt, còn đây trách giáo lý không sáng tỏ. Tu mà không lo học giáo lý cứ tính những chuyện đâu đâu, để rồi cuối cùng ngộ được cái gì? Hoặc được chút là tự mãn coi như đủ, không khéo cái ngã càng to thành bệnh.

Nếu người mới vào đạo không chịu học giáo lý; cứ ngày tháng trôi qua, thì Tổ Quy Sơn bảo: “Rồi đến tuổi cao hạ lớn, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi bạn lành, chỉ cứ một bề nghênh ngang, ngạo nghễ”. Tức là xuất gia rồi không chịu lo học gì hết, ở chùa nhiều năm lại lớn tuổi mà không hiểu giáo lý, lòng lại cống cao, cho ta đây là tu lâu nhưng mà bụng thì trống rỗng nên sẽ bị người khinh chê, gọi là bị hậu sanh khinh thường. Cũng không chịu gần gũi bạn lành để học hỏi thêm, chỉ một bề ngạo nghễ, đó là thêm bệnh.

“Vừa được nhắc nhở cho thì liền bảo: “Ta là thầy núi.” Chưa nghe lời dạy của Phật để hành trì, cứ một mực giữ tánh tình thô tháo”.

Đây cũng là một roi mà Tổ Quy Sơn quất mạnh để cho người lòng trống rỗng mà nghênh ngang, ngạo nghễ. Thử hỏi giới luật thì không thông, giáo lý cũng không rành mà cứ nghênh ngang là sao? Cho nên Ngài cảnh tỉnh, cần phải chuyển hóa tâm hạnh này để không làm trò cười cho bậc trí, đó là ngăn ngừa.

Khi được huynh đệ nhắc cho thì bảo: “Ta đây thầy núi”. Thầy núi không cần những hình thức, oai nghi, tu ở rừng núi mà! Luôn bảo vệ cho lỗi lầm của mình. Chẳng lẽ là thầy núi thì mặc tình thô tháo hay sao? Tổ Quy Sơn nhắc vì Sư cũng là thầy núi nhưng Sư không như vậy.

Thầy Đăng Đại Thuần tóm tắt (21/5/2020)